Hoa hồng là loại cây lâu năm, tuổi thọ có khi đến hàng chục năm. Trong suốt thời kỳ sinh trưởng có vô vàng lượt hoa nở rồi tàn. Cứ mỗi đợt ra hoa và tàn như vậy gọi là một chu kỳ sinh trưởng của hoa. Hoa hồng nói chung có chu kỳ ra hoa là 35 ngày, tùy theo từng giống có thể khác nhau nhưng cao lắm cũng từ khoảng 40-45 ngày.

Trong bài viết này Hưng Thịnh Garden sẽ cung cấp cho các bạn một số thông tin cơ bản nhất cho người mới tập trồng hoa hồng. Nếu bạn là người mới tập trồng tôi khuyên bạn hãy mua 1 cây hồng đang mang hoa ở cửa hàng, khi hoa tàn ta tiến hành cắt tỉa nhánh, khi đó cây hoa hồng sẽ bắt đầu một chu kỳ sinh trưởng mới.

1. Người mới bắt đầu trồng hoa hồng như thế nào?

Hoa hồng là cây ưa nắng, cây cần ít nhất 4h nắng/ngày. Cần tưới nước 2 lần/ngày, lúc sáng sớm tưới ướt đẫm cây và chiều mát chỉ tưới gốc, bạn cũng linh hoạt quan sát khi đất trồng vẫn còn độ ẩm thì không cần tưới, hoặc lúc mưa dầm phải thoát nước tốt mà không cần phải tưới.

Về đất trồng, hoa hồng cần đất tơi xốp, giữ ẩm và thoát nước tốt; ta có thể trộn thành phần đất trồng theo tỷ lệ 40% xơ dừa đã qua xử lý, 30 đất sạch hoặc phân rơm, 20% phần chuồng hoai mục (phân bò, phân gà,…), 10% trấu tươi. Hiện nay có một số nhà vườn trộn sẵn đất trồng chuyên dụng cho hoa hồng rất thuận tiện. Nếu bạn mua mụn dừa chưa xử lý, khi mua về hãy đổ ra một nơi và tưới nước ẩm hàng ngày, khoảng 1 tháng là dùng được, phân bò nếu chưa xử ký cũng vậy bạn nhé.

Khi mua cây hồng về tùy theo cây có chậu hay chưa khi đó mới quyết định thay chậu cho phù hợp. Cây hồng đi đường xa không nên thay chậu ngay mà phải để cây ổn định từ 3 ngày để quen nguồn nước tưới, khi thay chậu tránh làm động rễ, nên chọn chậu có từ 3 lỗ thoát nước trở lên. Hồng là cây có rễ ăn theo chiều ngang, nên khi vô chậu bạn cho đất vừa phải không cho cây quá sâu, cây hồng khi trồng vào chậu xong đất cao khoảng 2/3 chậu, để tiện việc sau này bổ sung thêm đất hữu cơ hay phân chuồng hoai mục.

cách chăm sóc hoa hồng cho người mới bắt đầu

Về chu kỳ sinh trưởng nói ở trên: Có thể chia thành 3 giai đoạn sinh trưởng

Tuy nhiên để sơ lược cách chăm sóc cho hoa hồng cần tóm tắt như sau: Giá thể là quan trọng cần thoát nước tốt và đủ ẩm để giữ chất dinh dưỡng, cắt tỉa quang trọng không kém, sau cắt tỉa thì xịt thuốc phòng trị bệnh, sau xịt thuốc thì bạn bón phân. Bạn phải lập lịch trình phun thuốc bón phân hàng tuần như là 1 thói quen ngay cả khi cây không có bệnh, ngoài ra bạn nên cắt lá úa hoa tàn đơn lẻ như là việc hàng ngày mà không nằm trong lịch trình trên.

  • Giai đoạn 1

Giai đoạn mọc chồi, từ sau cắt hoa tàn, tỉa cành và mọc chồi vươn cao (khoảng 12-14 ngày)

chăm sóc hoa hồng cho người chưa biết gì
        Từ 12-14 ngày cây hoa hồng đâm chồi vươn cao
  • Khi hoa gần tàn cần cắt bỏ, vị trí cắt từ 3 mắc lá tính từ hoa. Ta cũng nên tỉa bớt cành tăm, chồi điếc không có khả năng ra hoa nhằm tạo sự thông thoáng cho cây phát triển chồi mới mập mạp. Sau cắt tỉa bạn nên phun phòng bọ trĩ (một số tên thuốc trị bọ trĩ tham khảo bên dưới phần phòng sâu bệnh).
  • Sau cắt tỉa phun thuốc thì tiến hành bón phân, bạn nên dùng các loại phân hữu cơ hiện có trên thị trường ví dụ như Growmore 8-2-2, đạm cá viên, trùn quế, phân gà Nhật… Việc bón phân có hàm lượng N (Đạm)P (Lân) cao mục đích để cây mau chóng nảy chồi và vươn cao. Không bón phân quá gần gốc, tưới ướt đẫm sau bón phân, lập lịch trình bón 7 ngày lần.
  • Giai đoạn 2

Giai đoạn tạo nụ, từ nụ vừa tạo đến sắp nở hoa (khoảng 12 -14 ngày tiếp theo)

  • Giai đoạn này phân bón Tôi hay dùng các loại phân có hàm lượng K (Kali) cao và đây chính là yếu tố giúp hoa có màu đẹp hơn và bông cũng lâu tàn hơn, cánh hoa cứng cáp, đúng phom chuẩn của hoa. Tôi ít dùng NPK mà thay vào đó là các loại phân hữu cơ hiện có trên thị trường hoặc dịch chuối, chế phẩm từ đậu tương…cũng tương tự như trên trước khi bón phân nên xịt phòng các bệnh về nấm lá hay nấm bệnh khác (dựa vào biểu hiện của lá hồng mà quyết định phun thuốc bọ trĩ hay nấm bệnh).
  • Một số loại phân bón khác có chữ TE tức là có thành phần vi lượng tốt cho cây trồng và cải tạo đất. Bạn nên chọn các loại này.
  • Giai đoạn 3

Ra hoa đến lúc tàn (khoảng 5-7 ngày tiếp theo)

  • Giai đoạn này không cần bón phân hoặc có thể bón thêm ít Kali cho hoa lâu tàn và cánh hoa cứng cáp. Bạn cũng có thể bón phân hữu cơ để cải tạo đất cho chu kỳ sinh trưởng của lần đâm chồi kế tiếp. Phân hữu cơ có thể sử dụng là phân bò đã qua xử lý, phân trùn quế, phân gà bón 1 muỗi canh/cây hoặc phân hữu cơ khác.
  • Không nên xịt phân bón lá cho giai đoạn ra hoa vì như vậy sẽ làm hoa mau tàn.

Lưu ý: Những ngày mưa bạn không nên bón phân cho hoa hồng, nên bón phân vào ngày nắng ráo. Bón phân vào lúc chiều mát hoặc sáng sớm. Riêng tôi thì luôn bón phân vào chiều mát vì cây sẽ có một đêm mát mẻ để rễ cây dễ tiếp nhận nguồn dinh dưỡng. Một lưu ý khác là phân bón nên dùng đúng hoặc ít hơn liều lượng ghi trên bao bì, tuyệt đối không dùng dư.

2. Phòng trừ sâu bệnh cho hoa hồng

Cây hoa hồng có một số bệnh phổ biến là bọ trĩ, nhện đỏ, rệp sáp, rầy mềm, các loại nấm dẫn đến thối thân.

  • Bọ trĩ: thường hút chích làm hư lá làm cây mất sức đề kháng, ta dùng Confidor, Radiant, Regent, Actara… xịt định kỳ 7 ngày/lần. Gần đây Tôi sử dụng thuốc Emathion dạng chai rất hiệu quả để điệt bọ trĩ.
phương pháp chăm sóc cây hoa hồng chống bệnh
Biểu hiện lá bị Bọ trĩ chít hút
  • Nhện các loại, rệp sáp, rầy mềm: phòng trị xịt luân phiên các loại thuốc Confidor, Acsend, Regent, Actara, Radiant, Pegasus, Alpha mill, Saromite, dầu khoáng.. . cách nhau 7-10 ngày/lần. Riêng nhện đỏ ta dùng Abamectin (Abasuper), hexythiazox (Nissorun), Propagite (Comite), Pyridaben (Tifany), Alphamite hoặc loại tương tự.
kỹ thuật chăm sóc cây hoa hồng chống các bệnh thường gặp
Biểu hiện lá bị Nhện đỏ
  • Với bệnh vàng lá, đốm đen, bệnh thán thư (gặp nhiều vào mùa mưa khi thời tiết ẩm ướt), nên phòng ngừa bằng các loại thuốc Kasuran, Anvil, Coc85, Tilt super.
Một số loại bênh thường gặp khi mới trồng hoa hồng
Lá cây hồng bị đốm đen, vàng lá
  • Một bệnh đáng sợ khác trên cây hoa hồng là bệnh đen thân, bệnh này thường làm cây chết nhanh chóng nên cần ngừa trước bằng các loại thuốc nấm có tính lưu dẫn như Aliet, Alpin, Alien… ngoài ra Trichoderma cũng rất hiệu quả để ngừa loại bệnh này.
kỹ thuật trồng một số loại hoa hồng chống bệnh tốt
Bệnh thối thân hay gặp ở mùa mưa

Lưu ý:

  • Khi phun thuốc ta phun vào lúc chiều mát và sáng hôm sau ta tưới ướt toàn bộ cây bằng nước để rữa trôi các thuốc đọng trên lá.
  • Khi cắt tỉa cành nhánh 1 ngày hoặc sau các đợt mưa kéo dài, dứt mưa ta tiến hành phun thuốc ngay để phòng bệnh.
  • Khi cây mắc bệnh ta tiến hành phun thuốc đúng bệnh và cách 3 ngày thì phun lại 1 lần đến khi cây khỏe.

Để thân thiện hơn với môi trường hay đối với các bạn sống ở nội thành hoặc trồng ít cây thì các biện pháp phòng trừ bệnh bọ trĩ, nhện đỏ sau đây sẽ phù hợp hơn – Dùng 1 trong các các sau đây nhé:

  • Dùng tỏi, ớt, hành tây

Nguyên liệu:

– 03 quả ớt to

– 01 củ hành tây vừa

– 01 củ tỏi

Tất cả nguyên liệu trên cho máy xay nhuyễn với 1 ít nước vừa đủ (như xay sinh tố). Sau đó cho vào bình ngâm với 5 lít nước ấm nóng khoảng 60 độ. Sau 24h lọc lấy nước và đem phun cho hoa hồng, tác dụng xua đuổi các loại côn trùng, nhện đỏ, …

  • Dùng 2 nắp Listerine pha 1 lít nước;
  • 2g mù tạt pha 1 lít;
  • 10ml Oxy già pha 2 lít nước;
  • 01 thìa café Baking soda với 01 muỗng canh dấm ăn pha 2 lít nước;

Một cách khác dùng vòi nước mạnh tia nhỏ xịt rửa lá hồng thường xuyên cũng làm giảm bọ trĩ; hoặc dùng bình xịt tự động 12 lít, 16 lít cho nước vào chỉnh xịt mạnh như xịt thuốc cũng làm giảm bọ trĩ.

Lời kết

Sau khi bạn đã biết một số kiến thức cơ bản về cách trồngchăm sóc cây hoa hồng, giờ thì bạn có thể chọn một số loại hoa hồng sau để bắt đầu nhé!

Hưng Thịnh Garden chúc các bạn sẽ chăm sóc những cây hoa hồng như mong muốn!