Đây là bài viết tổng hợp các kinh nghiệm thức tế của mình, tham khảo của các bài viết khác mà mình đã áp dụng và thấy hiệu quả. Một lưu ý là các kinh nghiệm này là trồng hoa hồng tại khu vực Miền Nam và hoa hồng được trồng trong chậu, đây là kinh nghiệm chăm sóc hoa hồng thực tế nhất của Hungthinhgarden.

SÂU BỆNH:

Bọ trĩ: hầu như có quanh năm tại Miền Nam, đặc biệt vào mùa nắng nóng. Biểu hiện bệnh là làm lá hồng xoăn lại, mặt dưới lá có nám thâm, đối với nụ hoa thì không nở được và bị thâm đen.

Đốm lá: Xuất hiện vào mùa mưa khi thời tiết ẩm ướt, hay lúc mưa nắng thất thường, bệnh do nấm gây ra.

Rệp sáp: Xuất hiện nhiều vào mùa mưa, cây dễ nhiễm bệnh nếu xung quanh chậu hồng luôn ẩm ướt, không thông thoáng; giá thể thoát nước kém cũng là nguyên nhân dẫn đến đen thân, thối thân.

Các loại bệnh vừa nêu trên phải được nhận biết và phòng trị kịp thời mới mong có những cây hoa hồng khỏe mạnh.

Ngoài ra còn nhện đỏ và phấn trắng; nhưng theo mình ở Miền Nam các bệnh này dễ trị hơn rất nhiều, thậm chí khi bạn xịt thuốc trị bọ trĩ, đốm lá thì nhện đỏ và phấn trắng sẽ hết cùng.

Bọ trĩ hoa hồng:

Biểu hiện lá hồng bị bọ trĩ

* Actara (gói nhỏ pha 8 lít nước) + Regent (gói nhỏ pha 8 lít nước);

* Emathion + confidor (1ml pha 1 lít nước);

* Emathion (mua loại chai, pha 10ml cho bình 16 lít) + Movento (1ml/1 lít nước).

Bạn nên chọn một ngày trong tuần mà bạn rãnh rỗi nhất cho khỏi quên xem như là lịch trình xịt thuốc. Pha thuốc theo hướng dẫn trên bao bì. Bạn nên kết hợp chung 2 loại thuốc và pha cùng 1 lượng nước. Mình đã áp dụng và rất hiểu quả, vài tháng hoặc 1 năm bạn thay đổi thuốc luân phiên theo 1 trong 3 trường hợp trên.

Trường hợp vườn bệnh nặng thì xịt 3 lần trong 10 ngày (ngày thứ 1, ngày thứ 3 và ngày thứ 10) sau đó cách 7 ngày xịt phòng như bình thường.

Đốm lá hoa hồng, nấm lá hoa hồng:

 

Lá cây hồng bị đốm đen, nấm lá

* Hiện tại vườn đang dùng Anvil (25ml pha 16 lít mước + Nativo (gói pha 16 lít nước); dùng phòng và trị bệnh;

* Ridomil Gold (Ridomil Gold 68WG gói 100g pha 32 lít nước vì hướng dẫn trên gói hơi khó hiểu đối với mình nên mình viết ra đây theo thực tế đã dùng), dùng phòng bệnh;

* Anvil + Sumi eight (pha 5ml cho bình 8 lít nước), dùng phòng bệnh.

Cách phòng và trị bệnh cũng xịt như lịch trình nêu trên. Lưu ý xịt vào chiều tối và sang hôm sau xịt rửa lại với nước vòi mạnh.

Trị rệp sáp, rệp vảy:

Hiện tại mình dùng Confidor, Movento, Actara để vừa diệt bọ trĩ vừa trị rệp sáp luôn.

Đen thân và thối thân:

Bệnh thối thân hay gặp ở mùa mưa

Hiện tại mình dùng Aliette loại gói 100g; pha 25g cho 8 lít nước

Ví dụ: bạn có bình 16 lít thì pha 10ml Emathion và 16ml confidor, cách pha cho 1 nữa nước vào bình rồi cho 1 loại thuốc vào sau đó cho tiếp lượng nước nữa rồi cho tiếp thuốc còn lại vào khuấy đều.

Cách pha thuốc đúng kỹ thuật có thể tóm tắc như sau:

Thuốc cốm, dạng bột có gốc (WG, WP, SP) cho vào trước

Sau đó tới nhóm huyền phù, nhũ dầu (SC, SE, EW, EC)

Cuối cùng là nhóm dung dịch (dạng SL, AS)

Pha thuốc đúng cách

*Lưu ý: Các cách dùng thuốc BVTV trên là thuốc hóa học chính hãng uy tín, thông thường thì nhà vườn họ sẽ dùng, trên mỗi loại thuốc đều có ghi mức độ độc hại, hiệu lực của thuốc và các biện pháp an toàn khi phun. Tùy theo khu vực mình sinh sống mà bạn dùng để tránh ảnh hưởng người xung quanh.

Các biện pháp phòng trị bệnh thân thiện với môi trường

Để thân thiện hơn với môi trường hay đối với các bạn sống ở nội thành hoặc trồng ít cây thì các biện pháp phòng trừ bệnh bọ trĩ, nhện đỏ, nấm lá sau đây sẽ phù hợp hơn, bạn dùng một trong các các sau đây nhé:

  • Dùng tỏi, ớt, hành tây

Nguyên liệu:

  • 03 quả ớt to
  • 01 củ hành tây vừa
  • 01 củ tỏi lớn

Tất cả nguyên liệu trên cho máy xay nhuyễn với 1 ít nước vừa đủ (như xay sinh tố). Sau đó cho vào bình ngâm với 5 lít nước ấm nóng khoảng 60 độ. Sau 24h lọc lấy nước và đem phun cho hoa hồng, tác dụng xua đuổi các loại côn trùng, nhện đỏ, …

  • Dùng 1 nắp Listerine pha 1 lít nước (trị nấm, đốm lá)
  • Dùng dầu neem
  • 2g mù tạt pha 1 lít;
  • 10ml Oxy già pha 2 lít nước;
  • 01 thìa café Baking soda với 01 muỗng canh dấm ăn pha 2 lít nước;
  • Một cách khác dùng vòi mạnh tia nhỏ xịt rửa lá hồng thường xuyên cũng làm giảm bọ trĩ.

 BÓN PHÂN

Mọi người hay cứ sợ cây không khỏe nên cứ bón phân nhiều, điều này không nên. Bạn nên dùng phân hữu cơ như: Trùn quế, phân cá, phân gà viên, phân dơi, Gromore, HPV 301 hay bấy kỳ các loại phân hữu cơ chính hãng nào có bán trên thị trường. Hiện tại Hungthinhgarden đang dùng phân trùn quế, phân gà viên đã xử lý thấy hiệu quả. Muốn kinh tế hơn bạn có thể ủ phân bò, phân dê, phân gà với nấm Trichoderma và một ít phân lân trộn đều tưới nước ướt ủ 1 tháng dùng dần thay phân hữu cơ đóng gói.

Hàng tuần bón phân 1 lần: phân hữu cơ bón 1 muỗng ăm cơm 1 chậu, 4 hoặc 5 tuần dùng phân hữu cơ thì dùng NPK 1 lần. Chọn NPK loại tốt bịch 1kg có chữ TE vi lượng sẽ tốt hơn, bón 1 muỗng cà phê nhỏ lưng cho 1 chậu cây cỡ trung cao 1m, cây nhỏ thì bón ít hơn (NPK nên ngâm tan pha loãng tưới sẽ tốt hơn). Bón phân vào sáng sớm hoặc chiều mát, khi bón phân xong là phải tưới nước.

*Bạn nên bón vôi cho đất 1 hoặc 2 tháng một lần để ổn định độ PH cho đất, thỉnh thoảng dùng B1 Thái pha loãng tưới để bộ rễ phát triển khỏe mạnh.

 TƯỚI NƯỚC CHO HOA HỒNG

Hoa hồng cần đủ nước, tránh ngập úng vì vậy cần phải tưới đủ nước vào sáng sớm, chiều thì tưới sau cho đến mờ tối thì lá hồng khô ráo là được. Nếu thấy giá thể vẫn ẩm ướt thì buổi chiều không nên tưới thêm.

Đối với mùa nắng nóng ở Miền Nam thì nên tưới ngày 2 lần (sáng, chiều) vì hoa hồng trồng chậu rất hay bị mất nước. Nếu tưới quá nhiều sẽ làm úng nước vì vậy mùa nắng nóng nên che lưới mỏng để cây bớt sốc nhiệt, khi đó bạn phải quan sát giá thể và cân bằng lượng nước tưới. Nếu trời quá oi bức hoặc lúc nóng bức mà tưới thì sẽ làm cây sốc nhiệt do hơi nóng từ đất hắt lên sẽ làm cháy rìa lá.

CẢI TẠO ĐẤT HOẶC THAY GIÁ THỂ

Khi bạn chăm sóc hoa hồng một thời gian, đã áp dụng đúng quy trình trên mà thấy cây kém phát triển hoặc phát triển chậm lại, không xanh tốt như lúc đầu thì bạn nghĩ ngay đến việc phải thay giá thể hoặc cải tạo đất.

Khi quan sát bằng mắt thấy giá thể có những biểu hiện của sự hết chất dinh dưỡng như: giá thể khô, không giữ ẩm được, nếu là cây hồng trồng chậu khi tưới nước vào ta thấy nước rút rất nhanh thoạt nhìn như chưa tưới nước, mặt chậu khô nhanh. Trường hợp này bạn thêm phân bò hoai mục, phân trùn quế hoặc phân hữu cơ khác, bón vôi bột mỗi tháng khi mùa mưa hoặc tầm 2 đến 3 tháng khi mùa nắng.

Trường hợp cây èo uột không phát triển thì phải thay giá thể bằng cách thay chậu; thay chậu bạn bỏ bớt giá thể đi và thay mới; nếu chậu hồng lớn việc thay giá thể sẽ khó khăn hơn khi đó bạn sẽ bỏ lớp giá thể xung quanh chậu và cho giá thể mới vào, bổ sung thêm phân bò hoai mục hoặc phân trùn quế, phân gà viên đã xử lý sẽ rất tốt.

Hungthinhgarden chúc các bạn chăm những cây hoa hồng khỏe mạnh và cho hoa đẹp.